Moscow ở phía trước mũi tàu. Hồ Baikal níu bước
Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng; bao chàng trai cô gái tâm tình, riêng em có một mình’… Baikal không phải là sông mà là hồ mênh mông tựa biển khi tôi đến đây một buổi chiều vàng nắng.
Đến tận hôm nay, không hiểu sao tôi lại cứ nhớ mãi hình ảnh này: giữa bể bơi, những nữ vận động viên bơi nghệ thuật Nga đang biểu diễn. Đấy là tấm hình trên một trang tạp chí màu rất đẹp mà chị tôi kiếm đâu đó đem về dán lên vách đất nhà tôi để trang trí. Tôi vẫn nhớ tên tạp chí đó là Phụ nữ Liên Xô. Hình chụp bắt lại khoảnh khắc các cô gái vươn mình lên khỏi mặt nước trông như những cô tiên biết bay. Đấy là một trong vô số những ký ức tuổi thơ rất đẹp của tôi về Liên Xô.
Hôm tôi đến nước Nga theo lối từ biên giới Mông Cổ, hình dung đẹp của tuổi thơ lại một lần sống dậy vào cái độ tuổi chẳng còn mấy chút hồn nhiên. Đầu tiên là một dải thảo nguyên bát ngát, từng đàn bò và cừu gặm cỏ, khu lều của dân du mục Buryat, tiếp đó là mặt hồ Gusinoye xanh như biển mùa hè và những cánh rừng thông trải dài tôi từng gặp trong các bộ phim Liên Xô được xem thuở bé.
Và nữa, bài hát Chiều Mát-cơ-va mà bác lái xe già Mông Cổ ngẫu hứng bật lên khi xe vừa vượt qua chặng đường đầy đất đá để tiến vào một vùng xanh bạt ngàn, trực chỉ Ulan-Ude. Tôi đã bắt đầu hành trình xuyên Siberia của mình như thế, với hoài niệm đẹp xen lẫn thực tại cũng đẹp đến bất ngờ.
Tàu ở Nga luôn khiến người lần đầu di chuyển bằng loại phương tiện này dễ bối rối. Đó là thời gian hiển thị giờ tàu đến và đi đều lấy theo giờ Moscow, mà nước Nga có tới 11 múi giờ. Ở Ulan-Ude, múi giờ chênh Moscow 5 tiếng, thành ra tôi phải nghiên cứu mãi một hồi, hỏi cả cô nhân viên bán vé lẫn bà Mông Cổ đi cùng, mới hiểu được tại sao giờ hiển thị trên bảng lịch trình là 6 giờ 11, trong khi thực tế là tôi khởi hành vào lúc 11 giờ 11 theo giờ địa phương.
Tôi nhẩm tính, trong hành trình về phương Tây với đích đến là Moscow, tôi sẽ đi qua 5 múi giờ cả thảy.
Ga Ulan-Ude nằm trên một giao điểm của nhiều tuyến đường sắt quan trọng: Moscow – Vladivostock; Moscow – Ulan Bator – Bắc Kinh; Moscow – Chita – Thẩm Dương – Bắc Kinh, nên đến được Ulan-Ude là có thể “muốn đi đâu cũng được”. Ở chặng đầu tiên, tôi dự tính chỉ đi một đoạn ngắn. Từ Ulan-Ude, thủ phủ của Cộng hòa Buryatia thuộc Nga, tàu men theo bờ nam hồ Baikal và đến Irkutsk ở bờ bên kia.
Hành trình khoảng 7 tiếng đồng hồ trên quãng đường gần 600 km. Tới Irkutsk, tôi sẽ đi tiếp về phía tây, hoặc có khi ở lại một đôi hôm không chừng.
Tàu rời Ulan-Ude vào buổi trưa nắng ấm. Tôi ngồi khoang mở, nghĩa là toa giường nằm nhưng không có phòng riêng. Ngồi vậy có cảm giác hơi mất an toàn do tôi mang nhiều máy móc, đồ đạc, giấy tờ, nhưng được cái là dễ đụng chạm, tương tác với người xung quanh. Lên tàu ở miệt này toàn người “da vàng”, nom hình hài hao hao người Mông Cổ, Triều Tiên.
Đây là miền đất thuộc Cộng hòa Buryatia, nơi có đông tộc người Buryat sinh sống. Họ là cư dân du mục sống trong lều như người Mông Cổ, với địa bàn phân bố chủ yếu quanh vùng hồ Baikal và các thảo nguyên đông Siberia. Họ nói một ngôn ngữ líu lo như người Mông Cổ, nhưng người phụ nữ đi cùng tôi từ biên giới về đây, nói rằng bà chỉ hiểu được khoảng 40% thôi. “Với điều kiện là họ nói chậm chút”, bà bảo.
Những người Buryat mang theo cả gia đình lên tàu, ăn uống và nói chuyện hồn nhiên. Lũ trẻ còn bày đồ chơi ra khắp khoang trong khi ba mẹ chúng thì hớt hải chạy theo canh chừng.
Tàu địa phương nên tốc độ cũng “địa phương”, hay dừng lại ở các ga nhỏ lẻ. Tôi cũng chẳng có gì vội, cứ thong thả ngắm cảnh hai bên đường. Một bên là dòng Selenge, một bên là rừng thông bạt ngàn, phía xa kia là dãy Sayan thẳm xanh, chỉ còn vài vệt tuyết trắng mà tôi đoan chắc sẽ tan trong vài hôm nữa.
Tác giả Đố Hùng
https://thanhnien.vn/doi-song/moscow-o-phia-truoc-mui-tau-ho-baikal-niu-buoc-972025.html
Sorry, the comment form is closed at this time.